Trong thực tiễn xét xử, một người có thể phạm nhiều tội, bị áp dụng nhiều bản án khác nhau. Vậy có cách nào để tính tổng hợp hình phạt trong các trường hợp này không ?
BỘ LUẬT HÌNH SỰ 2018: BÃI BỎ 11 TỘI DANH, BỔ SUNG NHIỀU ĐIỂM MỚI
Tại Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ 2018 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự 2018) có rất nhiều điểm mới đáng chú ý, trong đó có việc bãi bỏ 11 tội danh. Dưới đây là tổng hợp của LuatVietnam về những điểm mới, đáng chú ý của Bộ luật Hình sự 2018.
Tới thời điểm này, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 đã chính thức áp dụng được 02 ngày. Việc thay mới BLHS năm 1999 bằng BLHS năm 2015 từ ngày 01/01/2018 được xem là cần thiết trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bộ Luật Hình Sự 2018 - Bãi Bỏ 11 Tội Danh
Tại Bộ luật Hình sự mới nhất này, các tội danh được bãi bỏ gồm có:
1. Tội tảo hôn
Từ 2018, Tội tảo hôn bị bãi bỏ. BLHS 2018 chỉ quy định về Tội tổ chức tảo hôn (Điều 183) với mức xử lý là phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
2. Tội đăng ký kết hôn trái pháp luật
Điều 149 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định người nào có trách nhiệm trong việc đăng ký kết hôn biết rõ người xin đăng ký kết hôn không đủ điều kiện kết hôn mà vẫn đăng ký cho người đó, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tù đến 02 năm… Từ 2018, tội này được bãi bỏ.
3. Tội làm nhục, hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên
Từ 01/01/2018, tội này chính thức bị “xóa sổ” trong BLHS. Trước đó, Điều 319 BLHS năm 1999 quy định người nào trong quan hệ công tác mà xúc phạm nhân phẩm, danh dự hoặc hành hung người chỉ huy cấp trên, thì bị phạt đến 07 năm tù.
4. Tội làm nhục hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới
Tương tự với Tội làm nhục, hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên, từ năm 2018, Tội làm nhục hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới cũng được bãi bỏ.
5. Tội không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính
Tội này được quy định tại Điều 269 BLHS năm 1999 với mức xử phạt từ 06 tháng - 03 năm tù. Từ năm 2018, tội này không còn tồn tại trong BLHS.
6. Tội kinh doanh trái phép
Theo Điều 159 BLHS năm 1999, người phạm Tội kinh doanh trái phép được xác định là người kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép. Trong BLHS 2018, tội danh này đã được xóa bỏ.
7. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
Từ năm 2018, tội này cũng không còn nằm trong BLHS. Trước đây, Điều 165 BLHS năm 1999 quy định người phạm tội này sẽ bị phạt tù đến 20 năm.
8. Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế
Điều 167 BLHS năm 1999 quy định, người nào vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà báo cáo với cơ quan có thẩm quyền những số liệu, tài liệu rõ ràng không đúng sự thật gây hậu quả nghiêm trọng cho việc xây dựng hay thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội của Nhà nước hoặc đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tù đến 03 năm…
Bộ luật Hình sự 2018 không còn quy định tội danh này.
9. Tội hoạt động phỉ
Người phạm tội hoạt động phỉ là người nhằm chống chính quyền nhân dân mà hoạt động vũ trang ở vùng rừng núi, vùng biển, vùng hiểm yếu khác, giết người, cướp phá tài sản… Tội này được quy định tại Điều 83 BLHS 1999.
Từ 2018, tội này không còn nằm trong BLHS 2018.
10. Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
Điều 170 BLHS năm 1999 quy định người phạm tội này sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù với mức từ 06 tháng - 07 năm, tùy vào từng mức độ. Tội này sẽ không còn tồn tại trong BLHS 2015.
11. Tội sử dụng trái phép Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng
BLHS năm 2015 cũng xóa bỏ tội danh này. Trước đây, tội này được quy định tại Điều 178 BLHS năm 1999.
Bộ Luật Hình Sự 2018: Bổ Sung Hàng Loạt Điểm Mới Khác
- Bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh: Theo Bộ luật Hình sự mới nhất, 7 tội danh không áp dụng hình phạt tử hình, gồm: Tội cướp tài sản; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm; Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội tàng trữ trái phép chất ma túy và Tội chiếm đoạt chất ma túy; Tội chống mệnh lệnh và Tội đầu hàng địch. Mức phạt tù cao nhất áp dụng với các tội trên là chung thân.
- Xử lý hình sự với người trốn đóng bảo hiểm xã hội: Đây là tội danh mới được đưa vào Bộ luật hình sự 2018. Theo đó, cá nhân có nghĩa vụ đóng bảo hiểm nhưng gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để trốn đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn tái phạm có thể bị phạt đến 7 năm tù; với doanh nghiệp có thể bị phạt đến 3 tỷ đồng.
- Đi bộ sai luật có thể phạt tù đến 15 năm: Điều 216 BLHS 2018 quy định, người tham gia giao thông vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng có thể bị phạt tù 7 đến 15 năm. Như vậy, chủ thể của tội phạm này đã được mở rộng, không chỉ là người điều khiển phương tiện như trước đây mà còn là người tham gia giao thông, bao gồm cả người đi bộ.
- Ngoại tình cũng có thể bị đi tù: Quy định này cũng sẽ được áp dụng từ năm 2018. Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, hành vi ngoại tình của người đang có vợ, có chồng làm cho quan hệ hôn nhân của một trong hai bên dẫn đến ly hôn có thể bị phạt tù đến 1 năm. Trường hợp làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát có thể bị phạt tới 3 năm tù.
HÌNH PHẠT LÀ GÌ ? ÁP DỤNG HÌNH PHẠT NHƯ THẾ NÀO ?
Hình phạt là biện pháp nghiêm khắc nhất do Tòa án quyết định nhằm hạn chế hoặc tước bỏ quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại phạm tội. Không chỉ vậy, hình phạt còn giáo dục người phạm tội ý thức hơn trong việc tuân thủ pháp luật, ngăn họ phạm tội mới, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Theo đó, người hoặc pháp nhân phạm tội phải chịu 01 hình phạt chính và có thể nhiều hình phạt bổ sung.
(Điều 30 Bộ luật Hình sự 2015)
Khi quyết định hình phạt, Tòa án thường căn cứ vào các yếu tố:
- Phân loại tội phạm
- Tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của việc phạm tội
- Nhân thân của người phạm tội
- Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
- Tình hình tài sản, khả năng thi hành án của người phạm tội.
Nguyên Tắc Thi Hành Án Hình Sự
1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
3. Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng danh dự, nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án, người chấp hành biện pháp tư pháp, quyền, lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại chấp hành án.
4. Kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo trong việc thi hành án; áp dụng biện pháp giáo dục cải tạo phải trên cơ sở tính chất, mức độ phạm tội, độ tuổi, sức khỏe, giới tính, trình độ học vấn và các đặc điểm nhân thân khác của người chấp hành án.
5. Thi hành án đối với người dưới 18 tuổi chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho xã hội.
6. Khuyến khích người chấp hành án ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo, tự nguyện bồi thường thiệt hại.
7. Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.
8. Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong hoạt động thi hành án hình sự, tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật.
CÁCH TÍNH HÌNH PHẠT TRONG TRƯỜNG HỢP PHẠM NHIỀU TỘI
Tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội là trường hợp khi xét xử, Tòa án kết án bị cáo phạm từ hai tội trở lên và khi quyết định hình phạt Tòa án phải quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó mới quyết định hình phạt chung đối với các tội đó và buộc bị cáo phải chấp hành. Hình phạt chung không được vượt quá giới hạn luật quy định đối với từng loại hình phạt.
Việc tổng hợp hình phạt phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định, cụ thể là: Nguyên tắc thu hút, nguyên tắc cộng hình phạt và nguyên tắc cùng tồn tại.
Nguyên tắc cộng hình phạt: Nguyên tắc này có hai trường hợp, nguyên tắc cộng toàn bộ và nguyên tắc cộng một phần.
Nguyên tắc cộng toàn bộ là nguyên tắc cho phép cộng toàn bộ các hình phạt thành hình phạt chung. Nguyên tắc này được áp dụng khi có thể và cần thiết phải cộng toàn bộ các hình phạt với nhau (hình phạt chung sau khi đã cộng không vượt giới hạn mà luật cho phép đối với loại hình phạt đó).
Nguyên tắc cộng một phần là nguyên tắc cho phép cộng hình phạt cao nhất với một phần hình phạt còn lại thành hình phạt chung. Nguyên tắc này được áp dụng khi, không thể cộng toàn bộ được vì mới cộng một phần với hình phạt nặng nhất đã đạt mức tối đa cho phép của loại hình phạt này.
Trong trường hợp một người phạm nhiều tội, được xét xử trong cùng 01 lần thì Tòa án quyết định hình phạt với từng tội và tổng hợp theo quy định tại Điều 55 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
Đối với hình phạt chính, tổng hình phạt chung sẽ được tính như sau:
Hình Phạt Riêng | Hình Phạt Chung |
Đều là cải tạo không giam giữ |
- Cộng tổng mức phạt - Không quá 03 năm |
Đều là tù có thời hạn |
- Cộng tổng mức phạt - Không quá 30 năm |
Hỗn hợp gồm cả cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn |
- Cộng tổng mức phạt - 03 ngày cải tạo không giam giữ = 01 ngày tù có thời hạn - Không quá 30 năm |
Hình phạt nặng nhất là chung thân | Tù chung thân |
Hình phạt nặng nhất là tử hình | Tử hình |
- Hình phạt riêng là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn của Bộ luật Hình sự với từng loại hình phạt đó. Hình phạt bổ sung được tính như sau:
- Hình phạt riêng là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên
- Các khoản tiền trong hình phạt riêng được cộng lại thành hình phạt chung
CÁCH TÍNH HÌNH PHẠT KHI CÓ NHIỀU BẢN ÁN
Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án là việc Toà án quyết định cho người phạm tội một hình phạt chung trong trường hợp người đó bị tuyên nhiều hình phạt trong nhiều bản án khác nhau.
Khi tổng hợp hình phạt của nhiều bản án, Toà án phải quyết định hình phạt chung cho bị cáo dựa trên cơ sở các bản án khác nhau.
Nhiều bản án được hiểu là tội phạm đã bị xét xử bằng một bản án có hiệu lực pháp luật, đang chấp hành bản án đó nhưng lại thực hiện hành vi phạm tội mới hoặc có thực hiện hành vi phạm tội trước đó và giờ mới bị đem ra xét xử bằng một bản án mới.
Lúc này, việc tính tổng các hình phạt trong các bản án này được quy định tại Điều 56 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
- Nếu là tội đã phạm trước đó thì Tòa án sẽ quyết định hình phạt cho tội này. Sau đó, hình phạt chung sẽ được tính theo cách đã nêu ở bảng trên. Lưu ý, thời hạn đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.
- Nếu thực hiện hành vi phạm tội mới, Tóa án sẽ quyết định hình phạt với tội mới. Sau đó sẽ tổng hợp với thời hạn chưa chấp hành hình phạt của bản án trước đó. Sau cùng, Tòa án sẽ quyết định hình phạt chung theo cách tính của bảng đã nêu ở trên.
- Nếu các hình phạt của các bản án mà một người phải chấp hành chưa được tổng hợp thì Chánh án Tòa án ra quyết định tổng hợp các hình phạt của các bản án như cách tính đã nêu ở bảng trên.
TỔNG HỢP HÌNH PHẠT TRONG TRƯỜNG HỢP LIÊN QUAN ĐẾN ÁN TREO
Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Theo đó, nếu người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án buộc họ phải chấp hành hình phạt của bản án đã cho hưởng án treo và tổng hợp với hình phạt của bản án mới thành hình phạt chung.
Trường hợp người được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách mà bị xét xử về một tội đã thực hiện trước khi có bản án cho hưởng án treo thì tùy từng trường hợp Tòa án sẽ cho tiếp tục hưởng án treo một lần nữa hoặc không cho hưởng.
Nếu cho người bị phạt tù hưởng án treo một lần nữa thì Tòa án phải tổng hợp hình phạt của cả hai bản án và ấn định thời gian thử thách. Nếu không cho hưởng án treo, Tòa án buộc người bị kết án phải chấp hành đồng thời hai bản án. Thời gian chấp hành hình phạt tù được tính vào thời gian thử thách của án treo.
Cụ thể, Khoản 5 Điều 65 BLHS 2015 quy định: “Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này”. Như vậy, có thể hiểu:
- Nếu tội mới phạm bị Tòa án tuyên phạt cải tạo không giam giữ thì phải tiến hành đổi từ cải tạo không giam giữ sang tù có thời hạn để tổng hợp với hình phạt của bản án trước thành hình chung theo tỉ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ bằng 01 ngày tù.
- Nếu tội mới bị Tòa án tuyên phạt tù có thời hạn thì bị cáo buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới thành hình phạt chung.
- Nếu tội mới phạm bị Tòa án tuyên phạt là phạt tiền thì người bị kết án phải chấp hành đồng thời hai hình phạt của hai bản án.
TỔNG HỢP HÌNH PHẠT TRƯỜNG HỢP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN PHẠM TỘI
Người chưa thành niên phạm tội là người chưa đủ 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà BLHS quy định đó là tội phạm. Người chưa thành niên là một chủ thể đặc biệt, vì vậy việc quyết định hình phạt nói chung và tổng hợp hình phạt nói riêng đối với người chưa thành niên cũng là một trường hợp đặc biệt.
Khi quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, Tòa án phải tuân thủ nguyên tắc được quy định tại Điều 91 BLHS 2015. Cụ thể: “Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội”.
Theo đó, mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:
Điều 101. Mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:
1. Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định;
2. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
Qua bài viết từ way.com.vn sẽ giúp các bạn hiểu thêm về cách tính tổng hình phạt trong hình sự hiện nay.
Mr Tấn Phát
Hiện nay việc thành lập doanh nghiệp đang trở thành xu hướng phát triển mạnh. Nhưng không phải ai cũng hiểu được rõ quy định về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo pháp luật hiện hành hiện nay.
Hiện nay trẻ em luôn là đối tượng được bảo vệ một cách đặc biệt, mọi hành vi xâm phạm đến quyền, sức khỏe, uy tín, danh dự đều được pháp luật bảo vệ và quy định hình phạt nghiêm khắc đối với người có hành vi xâm phạm.
Thuế là một khoản thu quan trọng của ngân sách nhà nước và cũng là nghĩa vụ của công dân. Tuy nhiên nhiều trường hợp muốn dùng các biện pháp không hợp pháp để không phải đóng thuế. Trốn thuế được xem như một tội danh được quy định trong bộ luật hình sự hiện nay.
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, nhà đầu tư được lựa chọn đăng ký loại hình công ty phù hợp với nhu cầu của mình gồm Công ty TNHH 1 thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Công ty cổ phần và Công ty hợp danh.
Hợp đồng mua bán hàng hóa có bản chất chung của hợp đồng dân sự, là sự thỏa thuận bằng lời nói hoặc bằng văn bản nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong quan hệ mua bán hàng hóa. Nhằm chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp, cá nhân...
Bất kỳ một công việc được thỏa thuận nào cũng cần có Hợp đồng lao động (HĐLĐ). Điều này sẽ đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho chính bạn.
Luật đất đai năm 2019 hay được xem là luật đất đai mới nhất 2019 tính đến thời điểm hiện tại có những sửa đổi, bổ sung như thế nào trong chính sách quản lý đất đai.
Đối với những hình thức quảng cáo ngoài trời như biển bảng quảng cáo tấm lớn thường được đặt tại những nơi có mật độ giao thông đông đúc, trục đường chính, ngã tư, chân cầu vượt, có nhiều người qua lại để tăng lượt tiếp cận, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị và an toàn kỹ thuật với người đi đường, chính vì điều này mà hiện nay Nhà nước đã phần nào siết chặt thủ tục cấp phép quảng cáo ngoài trời hơn trước đây.
Đã có rất nhiều Nghị định của Chính phủ được ban hành liên quan đến xử phạt vi phạm giao thông đường bộ. Trong đó có 03 Nghị định gần đây nhất là Nghị định 171, Nghị định 46 và Nghị định 100 (đang áp dụng). Mức phạt đối với lỗi nồng độ cồn đã liên tục được điều chỉnh qua các Nghị định này.